PHÁP HỘI NIỆM PHẬT A DI ĐÀ
Tịnh Thất Quan Âm
 

TÂN BIÊN QUÁN ÂM LINH CẢM LỤC Phần 3


34. Triều nhà Minh ở tại Đàm Hưng, Cư sĩ Nguyễn Ứng Kiệt là một Phật tử tại gia. Ông vốn là người rất tin tưởng và luôn thành kính lễ bái trì niệm đức Quán Thế Âm. Vào niên hiệu Vạn Lịch, nhà Thanh, năm Nhâm Dần, ông mắc phải chứng bệnh đàm ứ lên chận cổ, một giọt nước gần như cũng không thể uống được. Trải qua bảy ngày, sức lực Ông hoàn toàn suy kiệt. Vào giờ Tý đêm ấy, Ông mê man, thần thức Ông thấy mình đang khiêng một chiếc kiệu đi dọc theo bờ con sông lớn, bỗng nhiên trượt chân té xuống nước. Ngay lúc ấy các loài thủy tộc có vảy, có mai hiện đến trước mắt và xúm vào đòi mạng. Lúc đó Ông tự nghĩ: chắc là Ta từ nhiều đời đã từng ăn thịt những loài này nên hôm nay mới lâm nạn như vậy. Trong lúc hốt hoảng, đột nhiên Ông cảm thấy dường như có người nắm hai tay mình dắt lên bờ, Ông ngước đầu lên xem thì thấy có một vầng thái dương đỏ thắm lửng lơ trên không trung tựa bên chân núi, Quán Âm Đại Sĩ đang ngồi trên đài sen, trang nghiêm lộng lẫy, lại có Thiện Tài Long nữ hai bên cùng với chim anh vũ và các đồ vật tịnh bình, nhành dương liễu,... như trong các bức tranh Ông thường lễ bái chiêm ngưỡng. Cư Sĩ dùng tay sờ y phục thấy vẫn khô ráo, liền đến trước Bồ tát cúi đầu lễ tạ. Đại Sĩ bèn dạy: “Ông vốn là thiện tri thức chuyển thân, lại thêm thờ Ta chí thành cung kính nên Ta đến đây để cứu Ông, nhưng vì sát nghiệp của Ông quá lớn mới mắc phải chứng bệnh nan y ấy. Vì vậy nếu Ông hoàn toàn không sát sanh nữa thì bệnh của Ông sẽ được lành.” Vương Cư Sĩ thưa: “Kính bạch Đại Sĩ, đây cũng là bổn ý của con, con xin thành kính vâng lời răn dạy của Người”. Đại Sĩ lúc ấy nói: “HIện Ta có thứ đề hồ này cho Ông uống”. Vương Cư sĩ kính cẩn bưng chén đề hồ lên uống cạn. Chén đựng đề hồ ấy giống như pha lê, trong ngoài thông suốt, đề hồ có màu sắc vàng và trong, mùi vị thanh tao không thơm gắt như vị ở thế gian. Uống xong, Vương Cư sĩ cúi đầu lễ tạ Đức Quan Âm thì liền thức giấc, trong miệng vẫn còn hương vị ngan ngát của đề hồ, toàn thân Ông ướt đẫm mồ hôi, chỉ trong giây lát, bỗng cảm thấy thân thể mát mẻ nhẹ nhàng, nơi chổ tim ngực thấy sảng khoái, cổ họng thông suốt. Người nhà Cư sĩ mang nước cháo đến uống thì khi dùng xong, Ông cảm thấy tinh thần minh mẫn, sức khỏe hồi phục lại như trước. Từ ấy về sau, Vương cư sĩ từ bỏ việc sát sanh, lại tự thân trước tác bộ Ký Linh Giới Sát Trung Ngôn (tức là dùng lời chân thật ghi chép sự linh ứng và lời răn dạy cấm sát sanh của Quán Thế Âm Bồ Tát). (Trích Từ Tâm Bảo Giám).

35. Triều nhà Minh niên hiệu Sùng Trinh, năm Tân Tỵ, tại huyện Đương Đô, có một người từ tỉnh Sơn Đông đến, người này mắc bệnh bại liệt hai chân nên không có phương sinh kế, bèn phải dùng hai tay thay chân lết đi xin ăn trong chợ. Bất hạnh cho Ông, đa số người qua đường trông thấy Ông là người nghèo khổ, tàn tật nên đều khinh khi, xa lánh, ít người giúp đỡ mà nhiều người còn lại buôn lời nhục mạ, khiến Ông rất khổ tâm không thể chịu nổi. Có người thấy vậy mách bảo cho Ông biết: nghe nói ở Am Đường Kiều có một vị Tăng, pháp danh là Thủy Cốc rất giàu lòng thương người. Ông bèn tìm đến nơi đó để tỏ bày hoàn cảnh và nổi khổ nhục của mình. Nghe kể xong, Thầy Thủy Cốc ôn tồn khuyên bảo: “Nếu Ông phát tâm xuất gia thì có thể nương nhờ sức đại từ đại bi của Phật gia hộ, nhờ đó có thể có thí chủ phát tâm bố thí”. Người bệnh nghe xong thì vâng lời, thỉnh Thầy Thủy Cốc làm lễ tế độ cho mình và phát nguyện thọ trì trai giới. Từ ấy về sau, Ông nương nhờ nơi cửa Phật, ngày ngày an nhẫn đi khất thực dù bị người hạ nhục, và hoàn toàn không ăn mặn. Thầy Thủy Cốc thấy thế rất thương xót nên dạy Ông hàng ngày chuyên niệm Thánh hiệu của Quán Thế Âm và trì tụng chú Chuẩn Đề. Ông thọ trì hơn hai năm thì vào mùa thu năm ấy, vào lúc ban đêm, Ông nằm mộng thấy một lão bà gọi Ông đến bảo rằng: “Ngươi hãy mau đứng lên”. Ông trả lời: “Tôi là người bị bệnh bại liệt, làm sao đứng dậy được?”. Lúc ấy Ông thấy bà lão đến kéo hai chân Ông thẳng ra, thật lạ lùng là hai chân của Ông không còn bị co quắp như trước nữa. Sáng ngày sau thức dậy thì Ông thấy đôi chân mạnh hẳn lên, chứng bại liệt đã lành hẳn. Ông đi đứng đường hoàng mạnh mẽ, và tự đặt cho mình pháp hiệu là Bán Nhai. Từ ấy trở đi, có nhiều thí chủ phát tâm đến cúng dường và Ông tiếp tục con đường tu hành của mình đến ngày tạ thế. (Trích Đường Nghi Chi kỷ Cầu thơ).

36. Ở Dương Châu có một người bị bệnh tê bại đã hơn vài chục năm. Một hôm, Ông đang làm ở bên mé ao thì bỗng nhiên nhặt được một bức tượng Quán Thế Âm bằng sành. Ông vô cùng mừng rỡ bèn đem về rửa tắm thật sạch, xông hương tinh khiết và đem đến Am Đồng Ẩn cúng dường. Hàng ngày lúc canh năm, Ông đến Am dóng chuông thành kính trước tượng Quan Âm và đốt hương, lễ bái. Tu hành cần khổ như vậy trong suốt năm năm thì một hôm, Ông nằm mộng thấy có một bà lão đến dùng tay xoa bóp toàn thân, đoạn gọi Ông đứng dậy. Ông trả lời: “Tôi bệnh tê bại làm sao đứng lên được”. Bà cụ bèn nói: “Không sao, Hôm nay ngươi đi được rồi.” Ông giật mình thức giấc, khi bỏ chân xuống giường thử đứng lên thì thật linh nghiệm, hai chân Ông đã mạnh và cứng lên, Ông mang dép vào và đi như người thường. Quá xúc động trước lòng Từ bi vô lượng của Quan Âm Bồ Tát, Ông liền đến Am Đồng Ẩn xin xuất gia làm Tăng. Lúc bấy giờ có huyện lệnh Thái Phó ở Giang Tô, là người rất kính tin sự cứu khổ của Quán Âm Đại Sĩ, nghe chuyện của Ông thành tâm cần khổ tu niệm nên phát tâm kiến tạo một ngôi Tịnh thất rất trang nghiêm đề hiệu là Tồn Tế. Trong Tịnh thất ấy, vị quan có cúng dường tượng của Quán Thế Âm Bồ tát và từ ấy trở đi Ông suốt đời ở đó tinh tấn tu hành. (Trích Giác Thế Kinh thuyết chúng).

37. Triều nhà Minh, niên hiệu Sùng Trinh, năm thứ 11, nhằm năm Mậu Dần, ở tại Dương Châu có một vị Tăng hiệu là Thùy Kế. Từ lâu Thầy đã bị chứng đau lưng rất nặng, ngày đêm bệnh tình hành hạ làm Thầy rên la khổ sở, đến hơn một tháng sau thì bỏ luôn ăn uống. Có một vị đồng tu từ xa đến thăm thấy thế nói với Thầy: “Tôi nghe thường ngày Thầy khuyên mọi người chuyên niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm, hôm nay chính Thầy bị nạn sao không nhất tâm quy mạng Đại Sĩ để cầu xin đức đại từ đại bi của Ngài cứu độ để thoát được chứng bệnh này”. Thầy Thích Thùy Kế nghe lời nói của người bạn đồng tu thì tỉnh ngộ. Thầy lập tức nhờ người sắm hương đăng, hoa quả để cúng dường và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát không dứt. Đến lúc canh tư, đại chúng không nghe tiếng trì niệm của Thầy nữa, lấy làm lạ, liền sanh nghi Thầy đã tắt hơi nên mở cửa phòng vào xem thì thấy Thầy đang ngủ ngon giấc nên đồng trở ra để Thầy yên giấc. Đến chiều, bỗng mọi người nghe tiếng Thầy gọi lớn: “Tôi đói quá, xin mau làm cơm cho tôi ăn”. Mọi người đem cơm đến cho Thầy dùng. Sau khi dùng xong, Thầy bước xuống giường đi đứng bình thường và không còn đau đớn nữa. Đại chúng thấy vậy kinh ngạc hỏi Thầy duyên cớ gì mà bệnh lại mau lành nhanh như vậy. Thầy thành thật kể lại: “Lúc đầu khi Tôi mới niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì thấy người đau nhức như bị dao cắt, một lúc sau thì thấy có một vầng mây đỏ hiện ra trong không trung và Quan Âm Bồ Tát đứng trên vầng mây đó, Ngài dùng nước cam lồ trong bình rưới trên đầu Tôi. Trong giây lát, Tôi cảm thấy mát mẻ từ đầu xuống tới chân, ngắm vào tận xương tủy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Sau đó Tôi ngủ mê mệt, khi thức giấc thì thấy bụng đói cồn cào, bây giờ khi dùng cơm xong thì thấy trong người khỏe khoắn lạ lùng, cảm giác đau ở lưng đã không còn nữa. Thật là sự nhiệm màu không thể tưởng tượng được.” (Trích Quán Âm Trì Niệm Ký).

38. Triều nhà Thanh, Phật tử Bành Xích Mộc có người cháu dâu là Đào Thị, bị chứng bệnh sưng lá lách như bướu, chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Đào Thị liền phát tâm chí thành cung kính trì niệm Chú Đại Bi. Một đêm nọ, Cô nằm mộng thấy có một bà lão đem đến trao cho Cô một cành hoa thật đẹp. Cô vui mừng nhận lấy, ngay tức khắc Đào Thị liền cảm thấy thân tâm mình nhẹ nhàng như chiếc lá, tưởng chừng có thể bay được. Khi thức dậy, Cô cảm thấy cơn bệnh không còn hoành hành nữa, từ ấy bệnh tự nhiên lành hẳn. (Trích Nhứt Hạnh Cư tập).

39. Triều nhà Thanh có Phật tử Tạ Trọng Hoa là người có tâm sùng kính ngôi Tam bảo. Ông có một đứa con gái còn ở trong nôi nhưng mắc chứng bệnh thời dịch đến mức hôn mê thác loạn, chứng bệnh ngày một trở nên nặng và không có phương pháp gì chữa trị. Đang lúc lo âu bối rối, Trọng Hoa bỗng nhớ đến Quán Thế Âm Bồ tát đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ, phổ độ chúng sanh, nếu có chúng sanh nào chí thành lễ bái, trì niệm danh hiệu Ngài chắc chắn sẽ được linh ứng. Ông liền nhất tâm thành kính lễ bái xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát, lại nguyện ấn tống Kinh Quán Âm nghìn quyển. Đứa con gái bị bệnh, đêm ấy được ngủ yên và đến sáng ngày thì bệnh hoàn toàn lành hết. (Trích Hải Nam Nhứt Chước).

40. Triều nhà Thanh có Phật tử tên là Như Lâm thường kể cho mọi người nghe chuyện lúc bình sinh của thân phụ Ông. Nguyên cụ Ông là một người nhân hậu tánh tình cương trực, thích làm các thiện sự và ưa bố thí. Hằng ngày, thân phụ của Ông thường cúng dường, lễ bái trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm rất kiền thành. Đến khi hơn bốn mươi tuổi thì bỗng mắc chứng bệnh cổ trướng, bụng nổi gân xanh chằng chịt như có người dùng dây quấn quanh cái trống trông rất đáng sợ, người nhà tìm thầy thuốc khắp nơi đều không khỏi. Một ngày nọ, thân phụ Ông nằm mộng thấy có một bà lão tay cầm một cây kim, đến bảo thân phụ Ông rằng: “Bịnh nhà ngươi rất nặng, ngồi cũng khó khăn chứ đừng nói chi đi đứng, tuy nhiên hôm nay Ta sẽ giúp cho ngươi đi lại một cách dễ dàng”. Dứt lời thì Bà dùng kim khều những sợi gân trong bụng Ông ra, khều hết sợi này đến sợi khác, sau đó dùng kéo bén cắt tất cả gân ấy vứt bỏ đi. Thân phụ Ông lúc ấy sợ hãi kêu la rồi giật mình thức dậy. Người nhà chạy đến hỏi nguyên do thì thân phụ Ông bèn kể lại câu chuyện trong mộng, ai nấy đều kinh ngạc. Đến sáng thức dậy thì thấy bụng của thân phụ Ông nhỏ lại như người bình thường, những gân xanh nơi bụng quả nhiên không còn, chứng bệnh cổ trướng lành hẳn, và cụ Ông đi đứng như bình thường. (Trích Miền Giới thuyết Yếu Luận).
41. Triều nhà Thanh, Hà Thế Kiệt là người ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang. Đến niên hiệu Càn Long thứ mười ba, vào tháng 9 thì bỗng nhiên mắc chứng bệnh sâu cổ (đây là chứng bệnh do ăn phải độc chất từ loài độc trùng. Người ta chế thuốc độc này bằng cách nhốt các loại độc trùng như rắn, rít, bò cạp, cùng nhau để chúng tàn sát nhau, con nào còn sống sót thì bị giết chết, sau đó đốt thân tan thành tro tạo thành dạng bột. Chất bột cực độc này nếu bỏ vào đồ ăn, thức uống của người mà kẻ chủ mưu muốn hãm hại thì người ăn trúng độc nếu không chết ngay lập tức thì cũng mắc phải các chứng bệnh không thể chữa trị được). Mẫu thân của Thế Kiệt là Điền Thị ngày đêm chí thành lễ bái ở trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và xưng niệm danh hiệu của Ngài, Bà lại phát nguyện tụng kinh Cao Vương(*) một nghìn biến, ấn tống 1,200 quyển Kinh này, đến tháng 3 năm sau, chứng bệnh sâu cổ của Thế Kiệt hoàn toàn hết hẳn. Trích Quán Âm Linh cảm lục).

Đời Đông Ngụy, niên hiệu Thiên Bình, người ở xứ Cao Vương, cảm được sự linh ứng của đức Quan Âm trong Kinh Quán Âm, nên gọi là Cao Vương Kinh. Trong bộ Cao Tăng Truyện, quyển 29 cùng với bộ Pháp Uyển Châu Lâm quyển 25 đều gọi là Quán Thế Âm Cứu Sanh Kinh hay là Cao Vương Quán Thế Âm Kinh. Trong Bộ Phật tổ thống ký quyển 54 gọi là Thập Cứu Quán Âm Kinh. Trong bộ Kê Cổ Lược quyển 2 thì gọi là Cứu Khổ Quan Âm Kinh. Trong tục Cao Tăng truyện, có chuyện Tôn Đức Kính là một Phật tử, thường ngày rất siêng năng, chí thành lễ bái trì niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm. Về sau, bị người bắt và đem nhốt tại ngục ở Kinh Đô. Ông bị tra khảo đánh đập rất tàn nhẫn để ép phải nhận tội mà bọn chúng gán ghép cho Ông. Tôn Đức Kính do không chịu nổi những cực hình tàn ác ấy nên dù không tội vẫn phải nhận tội. Trong lúc bị cực hình đến ngất đi trong ngục thì mộng thấy có một vị Sa môn đến bảo Ông tụng Quán Thế Âm Cứu Sanh Kinh, trong bộ kinh ấy có danh hiệu Phật. Sa môn dặn kỹ rằng phải tụng cho đủ ngàn biến thì mới thoát khỏi nạn tử hình. Khi thức giấc, Đức Kính vâng lời tụng kinh rõ ràng không sai sót, đến lúc gần sáng đã tụng sắp đủ năm trăm biến thì quan Hữu Ty đến bắt trói để đem đi xử trảm. Trên đường dẫn đi, Đức Kính vẫn thành tâm vừa đi vừa tụng. Đến giờ gia hình thì cùng lúc trì tụng đủ nghìn biến. Khi đao phủ cầm dao lên chém thì dao liền gãy thành ba khúc, ba lần đổi dao đều giống như vậy. Những người chứng kiến tại Pháp trường đều kinh ngạc. Quan Hữu Ty đem sự việc ấy tâu về triều, Quan Thừa Tướng Cao Hoàng cũng dâng biểu lên Hoàng thượng triều Ngụy xin tha tội chết cho Đức Kính. Hoàng thượng chuẩn tấu tha chết cho Đức Kính, lại hạ chiếu truyền cho Đức Kính phải cố gắng viết Kinh để phổ biến khắp mọi nơi để cho toàn dân trong nước đều trì tụng. Hiện nay, Kinh này được gọi là Cao Vương Quan Thế Âm Kinh.

42. Triều nhà Thanh có người tên Diệp Kiến An bị bệnh sốt rét rất nặng. Mỗi khi lên cơn sốt và cơn lạnh hoành hành thì khổ không kể xiết, chứng bệnh ngày càng nặng mà không thầy nào chữa được. Kiến An vô cùng lo luồn, nghĩ rằng chắc không qua khỏi. Một ngày nọ, Ông bỗng nhìn thấy trên giá sách có quyển Đại Bi Chú, trong tâm phát khởi niệm: người ta thường nói trong thế gian không gì linh nghiệm và quý báu bằng Phật Pháp, vậy nếu nay Ta trì tụng chú này, chắc sẽ được giảm bớt bệnh khổ. Sáng hôm sau, Ông đến trước Phật đài, đốt hương thành kính lễ bái cầu nguyện phát thệ chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi. Trong ngày ấy, chứng sốt rét bớt hẳn và dần dần thân thể Ông khỏe mạnh trở lại như xưa. (Trích Khuyến Giới Lục).

43. Triều nhà Thanh, Vương Ngự Đương tự thuật lại như sau: Vương Kính Tổ người ở tại Bảo Đê, quận Kinh Triều, lúc lên mười bảy tuổi thì đôi mắt bị mù. Kính Tổ phát nguyện hàng ngày thành tâm trì tụng Thần Chú Bạch Y và danh hiệu Đức Quán Âm. Đến niên hiệu Khang Hy, vào đêm 26 tháng 4 năm Kỷ tỵ, Kính Tổ nằm mộng thấy một phụ nữ mặc áo lụa trắng, dùng tay vạch mắt trái của Kính tổ, rồi dùng chiếc kềm nhỏ kẹp cho gân lòi ra chừng một tấc, tiếp theo lại vạch mắt phải ra rồi cũng dùng kềm làm như vậy. Sau đó, người phụ nữ bảo Kính Tổ rằng: “Mắt của ngươi đã hết bệnh rồi”. Sáng hôm sau thức dậy, Kính Tổ rất vui mừng vì đã nhìn thấy mọi vật rõ ràng như lúc chưa mù. Từ đó, đức tin của Kính Tổ càng sâu dầy, tụng niệm càng tin tấn hơn. Cả gia đình Anh sau đó đều nguyện trì chú Bạch Y rất tinh tấn, cúng dường Đại Sĩ rất kiền thành. Chiết An Thiền Sư là bậc Cao Tăng ở Bồng Sơn là người biết rõ việc này nên đã trước tác chuyện Vương Kính Tổ, ghi lại sự tích này để rộng khuyến hóa mọi người trì tụng Chú Bạch Y để được nhiều lợi ích. (Trích Cư Dị Lục).

44. Triều nhà Thanh có Phật tử tên là Đinh Triều là người rất tin tưởng Phật pháp. Ông thường kể cho mọi người nghe về chuyện Bà nội của mình. Bà nội của Ông là Khổng Thái Quân, hai mắt bị mù đã hai chục năm. Vào niên hiệu Càn Long nhà Thanh, lúc mùa Xuân năm Nhâm Tý, mọi người trong nhà đang vui vẻ đón mừng năm mới thì bà lão rất buồn khổ, tâm trạng giống như là người bị nhốt trong ngục tối. Quá buồn tủi, Bà nói với đứa cháu nội: “Triều ơi, Nội không thấy gì cả, sống mà như đã chết. Nội chỉ mong sao Trời Phật chỉ cho một con mắt của Nội được sáng thôi để nhìn thấy mọi người xung quanh thì cũng được mãn nguyện trước khi chết rồi.” Triều nghe bà Nội nói thì trong lòng rất xúc động, rưng rưng nước mắt thưa với bà rằng: “Nội đừng quá bi quan! Con nghe rằng Thần Chú Đại Bi rất linh nghiệm, người nào bị bất cứ tai nạn bệnh khổ nào mà thành tâm trì tụng, chắc chắn mọi sự đều được như ý nguyện. Nhưng con nghĩ Thần chú này rất nhiều chữ nên con dạy Nội cũng sẽ lâu thuộc, chi bằng Nội hãy chuyên tâm thành kính trì niệm bảy chữ Thánh hiệu “Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì con chắc rằng mắt Nội sẽ sáng lại.” Bà nghe cháu nội của mình nói xong thì sanh tâm thành kính, ngày đêm kiền thành trì niệm Thánh hiệu Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát không gián đoạn. Chưa được một tháng thì con mắt của Bà quả nhiên sáng lại như xưa, Bà tự nhìn được những đường chỉ tay trên bàn tay rất rõ ràng. Một hôm, Bà bảo tất cả con cháu trong nhà và gia nhân đến đứng dưới lầu, bà đứng trên lầu nhìn xuống nhận diện từng người một rồi vô cùng hoan hỉ khi thấy rõ tất cả. Bà nói: “Hai đứa cháu dâu về nhà này đã lâu mà Già chưa biết mặt, hôm nay luôn cả cháu chắt đều đủ mặt, Ta có thể trông thấy rõ từng mảng tóc vá trên đầu của chúng. Sự việc này nếu không phải sức đại từ đại bi của Quan Âm Bồ Tát thì không ai có thể giúp cho Ta được.” Sau đó, Bà bảo Đinh Triều viết lại câu chuyện của Bà và khắc bản lưu bố các nơi để giúp mọi người tăng thêm lòng tín ngưỡng với Đức Quan Âm Đại Sĩ. (Trích Quán Thế Âm Trì Nghiệm ký).

45. Tại Lâm Giang có Phật tử tên Đinh Triệu Hy thường đi buôn bán ở đất Thục. Mẫu thân của Triệu Hy là Diệp thị ở nhà bị liệt hai chân rất là đau khổ, chạy chữa mãi vẫn không hết. Triệu Hy ở xa nghe tin dù, tâm luôn hướng về Mẹ già ở quê nhà, nhưng không biết phải làm sao nên chỉ biết thành kính xưng niệm Thánh hiệu Quán Âm Đại sĩ cầu xin cho bệnh của Mẹ mau lành. Ít lâu sau, có người ở trong làng của Ông đến đất Thục, Triệu Hy hỏi thăm mới biết mẫu thân của mình nhờ sức Từ bi của Đại sĩ linh ứng hiển hiện trong điềm mộng nên bệnh được lành. Theo người này kể lại, đúng vào ngày Ông đang trì niệm Thánh hiệu Quan Âm thì Mẹ Ông ở nhà mộng thấy đức Đại Sĩ đến dùng nước cam lộ rưới lên đôi chân Bà. Sáng ngày tỉnh giấc thì Bà cảm thấy đôi chân có cảm giác trở lại, sau đó bà đứng lên đi lại được như bình thường. Thế mói biết nhờ tâm thành cầu khẩn của Triệu Hy, dù đường xa vài nghìn dặm, có cảm liền có ứng nên Mẹ ông được hết bệnh. Qua năm Đinh Dậu, Triệu Hy hồi hương nhằm ngày sinh nhật lục tuần của mẫu thân, Ông tắm gội sạch sẽ, thực hành trai giới, thanh tịnh phát nguyện chí thành cung kính tụng kinh Phổ Môn một trăm biến để cầu nguyện cho mẫu thân được khang kiện. Quả nhiên, về sau mẫu thân của Ông tuy lớn tuổi nhưng thân hình vẫn tráng kiện, tinh thần minh mẫn, hưởng thọ cao niên. Riêng Triệu Hy thì việc làm ăn cũng phát đạt, mọi việc đều như ý. (Trích Khuyến giới thiết yếu lục).


Chùa Quan Thế Âm Tổ 15 - Trụ Trì: ĐĐ Thích Giác Nhàn
Tổ 15, Thôn Trung Hiệp, Xã Hiệp An, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng.
Tel. (+84) 0909.747.474 - (+84) 0933.447.312

Email: voluongtho0909747474@gmail.com