PHÁP HỘI NIỆM PHẬT A DI ĐÀ
Tịnh Thất Quan Âm
 

KIÊNG GIẾT PHÓNG SANH


VỀ TÁNH CHẤT TRỌNG YẾU  CỦA VIỆC KIÊNG GIẾT, PHÓNG SANH, ĂN CHAY & NGHI THỨC PHÓNG SANH

TỔ SƯ ẤN QUANG DẠY PHẢI CHÚ
TRỌNG CHÍ THÀNH CUNG KÍNH


Pháp thế gian hay xuất thế gian đều lấy lòng Thành làm gốc. Hễ có lòng thành thì cảm được Thánh ứng; không có lòng Thành thì do không cảm, Thánh sẽ không ứng. Ví như mặt trăng rạng rỡ giữa bầu trời, hiện bóng trong muôn sông. Nếu nước  đục ngầu, xao động,  bóng  trăng  khó thể hiển hiện được. Do nước gây nên như thế, đâu phải lỗi của trăng! Vì thế nói: “ Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, ắt phải cầu từ nơi cung kính. Có một phần cung kính, tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ ”. Nếu không cung kính thì chỉ kết được cái duyên xa, khó được lợi ích thật sự. Nếu còn khinh nhờn sẽ mắc tội vô lượng.

TỔ SƯ ẤN QUANG DẠY MƯỜI ĐIỀU
CUNG KÍNH KHI ĐỌC SÁCH

1) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết phải nên phát tâm cung kính như gặp được khách quý, như đối trước bậc hiền triết, ngõ hầu luôn luôn ngộ nhập được dụng ý sâu xa của tác giả.
2) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên phát tâm chí thành, thốt lời khẩn thiết, khen ngợi tác giả vận tâm cứu thế, vui mừng mình đã hữu duyên được đọc.
3) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên rửa tay, súc miệng, đặt sách lên bàn sạch trong gian phòng sạch sẽ, rồi mới mở ra xem.
4) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết chỉnh đốn quần áo, ngồi ngay ngắn một lát, sám hối hết  thảy những ác niệm, ác ngữ, ác hạnh như: ganh ghét, khinh mạn, kiêu cuồng v.v...
5) Lúc đọc, hễ ngộ nhập được một câu một chữ, đều nên khởi lòng hoan hỷ lớn lao và tuỳ thời ghi chép những điều tâm đắc, đừng bỏ mặt cho quên mất!
6) Lúc đọc, hãy nên nghĩ rộng rãi  về  ý  nghĩa, thoạt đầu dùng sách để nhiếp tâm, tiếp đó dùng tâm để chuyển nghiệp, cuối cùng tiến tới tâm niệm không ngừng nghỉ thực hành, khuyên dạy rộng rãi để chuyển thế giới Ngũ Trược thành thế giới Cực Lạc.
7) Lúc tâm khởi vọng niệm, hãy nên cung kính đặt sách xuống, tạm ngừng đọc.
8) Đọc xong hoan hỷ, theo đúng pháp vâng làm, hãy nên thường khởi lòng hâm mộ tâm hoằng pháp, tận lực bắt chước làm theo.
9) Đọc hết bộ sách xong, hãy nên nghĩ kĩ rộng rãi xu hướng trong xã hội hiện tại để nhiếp hoá rộng lớn, ngõ hầu điều lành được lưu truyền.
10) Đọc hết bộ sách xong, thấy được những chỗ có thể tuyên thuyết phù hợp căn cơ, liền vì người không biết chữ mà phương tiện diễn nói rộng rãi để tạo lợi ích lớn.

TỔ SƯ ẤN QUANG DẠY VỀ TÁNH CHẤT TRỌNG YẾU CỦA VIỆC KIÊNG GIẾT, PHÓNG SANH, ĂN CHAY.

Trong các ác nghiệp, chỉ có Sát là nặng nề nhất. Khắp thiên hạ, không ai chẳng tạo nghiệp sát. Dẫu cả đời chưa hề sát sanh, nhưng hằng ngày ăn thịt thì tức là hằng ngày sát sanh. Do không giết thì chắc chắn không có thịt, bởi lẽ kẻ đồ tể, người săn bắn, kẻ bắt cá, đều nhằm cung cấp cho nhu cầu của người ăn thịt nên mới giết thay cho họ. Một cửa ải ăn thịt hay ăn chay quả thật là cái gốc của sự thăng - trầm của chúng ta và [là cái gốc khiến] thiên hạ bình   yên hay loạn lạc, [mối quan hệ ấy] chẳng  nhỏ  đâu!  Những ai tự biết thương thân và yêu thương nhân dân khắp cõi đời, muốn được trường thọ, an lạc, chẳng mắc phải tai họa ngoài ý muốn, thì hãy nên kiêng giết, ăn chay, đó chính là diệu pháp bậc nhất để vãn hồi thiên tai nhân họa.
Phải biết những loài vật bay trên không, lặn dưới nước đều có cùng một tâm linh minh giác tri như ta, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng cho nên hình thể rất khác biệt, miệng chẳng thể nói được. Nhìn vào tình trạng tìm tòi cái ăn, trốn tránh cái chết sẽ tự hiểu chúng nó chẳng khác gì con người. Chúng ta nương vào sức túc phước, may mắn được sanh trong loài người, tâm có trí khôn, lẽ ra phải giữ vẹn tình cha trời mẹ đất, coi dân như ruột thịt, xem loài vật như chính mình, hòng khỏi phụ [cái tiếng] sánh cùng trời đất xưng là Tam Tài, phụ trợ quyền sanh trưởng dưỡng dục của trời đất, khiến cho dân lẫn loài vật đều được sống yên, cùng được [trời đất] che chở, cùng hưởng niềm vui [sống hết] tuổi trời thì mới nên! Nếu chẳng cảm nhận đức hiếu sanh của trời đất, cứ mặc tình giữ ý niệm tham ăn, tham uống, cậy ta mạnh lấn hiếp loài yếu, ăn thịt chúng nó cho thỏa bụng mình, ắt đến một ngày nào đó, phước xưa đã hết, sát nghiệp hiện tiền, muốn chẳng bị đổi đầu thay mặt, lần lượt bị chúng nó giết ăn, há có được chăng?
Huống chi thịt có chất độc do lúc chúng bị giết hại tâm oán hận cố kết lại. Vì thế, những khi ôn dịch lưu hành, người ăn chay rất ít bị truyền nhiễm. Hơn nữa, thịt là thứ uế trược, ăn vào khí huyết dơ, tinh thần tăm tối, phát triển nhanh nhưng chóng suy, là đầu mối dễ nảy sanh bệnh tật nhất. Đồ chay là phẩm vật  tinh khiết, ăn vào khí chất trong sạch, trí óc sáng sủa, khỏe mạnh lâu dài, lâu già, do có nhiều khả năng bồi bổ. Đây tuy là lời bàn thông thường về phép vệ sinh, chứ thật ra chính là lời luận cùng tột tánh. Do tập tục quen thói đến nỗi mê muội chất chứa, không thể phản tỉnh được! Phải biết: Nhân từ đối với dân thì phải thương yêu loài vật, tàn nhẫn đối với loài vật quyết khó thể nhân từ đối với dân, do tập tánh khiến ra như thế. Vì vậy, khi vua thánh cai trị cõi đời, chim, thú, cá, rùa đều sống yên vui. [Thánh vương dùng] đạo sáng để dạy dân, chất keo dính (để bẫy chim), gậy gộc, đạn, cung đều bỏ hết. Thử nghĩ xem, từ xưa đến nay, phàm những kẻ tàn nhẫn, tham tàn, dòng dõi đa phần tuyệt diệt. Người nhân từ cứu giúp con cháu ắt thịnh vượng. Kẻ cầm đầu làm ác, Khổng Tử phán đoán kẻ ấy vô hậu. Kẻ mặc tình ăn thịt, Như Lai dự ký ắt phải đền trả. Xin chớ nói xuông “xa lánh chuyện bếp núc”, đấy chính là lời nói quyền biến thuận theo thế tục. Hãy nên vĩnh viễn dứt những thứ hôi tanh thì mới là thật nghĩa xứng lý.  Như  có kẻ nói: Kẻ quan quả, cô độc, bần cùng, hoạn nạn đâu đâu cũng có, sao không châu cấp, lại gấp rút lo lắng cho loài dị loại chẳng liên quan gì đến ta? Đấy chẳng phải là điên đảo nơi chuyện thong thả - gấp rút, nặng - nhẹ đó ư?
Đáp: Ông chưa biết nguyên do đức Như Lai dạy người kiêng giết, phóng sanh. Tuy  người  và  vật khác nhau, nhưng Phật tánh vốn  đồng. Do ác nghiệp nên chúng bị trầm luân trong dị loại, ta do thiện nghiệp may được thân người. Nếu chẳng xót thương, giúp đỡ, cứ mặc tình giết hại, ăn nuốt, thì một mai kia nếu phước ta hết rồi, tội của chúng đã trả xong, khó tránh khỏi phải đền trả từ đầu, [đem thân mình] thỏa miệng bụng của chúng. Phải biết đao binh đại kiếp đều do sát nghiệp đời trước cảm thành. Nếu không có sát nghiệp, dẫu thân gặp phải giặc cướp, chúng  cũng sẽ khởi lòng lành, chẳng giết hại mình. Huống chi  những tai nạn bất ngờ như ôn dịch, nước, lửa thì người kiêng giết, phóng sanh rất ít gặp phải. Do vậy, biết rằng: Che chở loài vật chính là tự che chở mình. Kiêng giết sẽ khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, trộm cướp giết, [khỏi bị] oán - thân giết nhau báo thù trong tương lai. Những kẻ quan quả cô độc bần cùng hoạn nạn cũng nên tùy phần tùy lực châu cấp cho họ, chứ nào phải người kiêng giết phóng sanh hoàn toàn chẳng hành những điều công đức ấy! Tuy người quan quả cô độc rất đáng thương, nhưng họ chưa đến nỗi lâm vào tử địa, còn loài vật nếu không bỏ tiền chuộc mạng, sẽ lập tức phải lên chảo, thớt để thỏa bụng miệng con người! Lại có kẻ nói: - Loài vật vô tận, phóng sanh được  mấy?  Đáp  rằng: Phải biết chuyện phóng sanh thật ra nhằm để phát khởi thiện tâm tối thắng “bảo vệ sanh mạng mọi loài vật” của mọi người, ngõ hầu lãnh hội được ý nghĩa của chữ “Phóng” (thả), trong tâm đã động lòng trắc ẩn, ắt chẳng nỡ ăn nuốt. Đã không có người ăn nuốt thì người đánh bắt sẽ phải thôi, khiến cho hết thảy loài vật dưới nước, trên mặt đất, trên hư  không  đều tự tại bay, chạy, bơi lội trong nơi sinh sống của chúng. Như vậy, thành ra không phóng sanh mà hóa ra là phóng sanh khắp tất cả. Đấy chẳng phải là “cả thiên hạ biến thành một cái ao” ư? Dẫu không phải ai cũng đều như vậy cả, nhưng một người chẳng nỡ ăn thịt thì vô lượng sanh mạng trên đất liền, dưới nước khỏi bị giết chóc; huống chi nào phải chỉ có một người! Lại vì hết thảy đồng nhân trong hiện tại và vị lai đoạn trừ cái nhân của quan quả, cô độc, hoạn nạn, bần cùng, tạo cái duyên trường thọ,  không  bệnh,  phú quý, an lạc, cha con đoàn viên, vợ chồng giai lão cho họ. Đấy chính là làm chuyện châu cấp, cứu tế sẵn để đời đời kiếp kiếp trong vị lai mãi mãi chẳng bị những nỗi khổ quan quả cô độc v.v… hưởng thụ dài lâu những niềm vui sống lâu, giàu sang v.v… Đấy chẳng phải là “cả nước được hưởng phước” ư? Há có nên coi thường gác bỏ? Ông hãy nghĩ kĩ đi, kiêng
 giết, phóng sanh rốt ráo là khăng khăng vì con người hay là khăng khăng vì loài vật, điên đảo nơi chuyện thong thả - gấp rút, nhẹ - nặng vậy? Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay luân hồi sáu nẻo, lần lượt làm cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, sanh ra lẫn nhau, trở thành oan gia đối đầu của nhau, tuần hoàn báo thù, đền đáp, giết hại lẫn nhau. Trong các kinh Đại Thừa, đức Phật đã nhiều lượt khuyên răn nhưng ít kẻ thấy nghe. Dẫu được thấy nghe, nhưng kẻ tin nhận, vâng làm, lại càng ít hơn nữa!... Do vậy, Phật dùng lòng Đại Bi, hiện trong dị loại để con người giết ăn. Đã giết xong, bèn hiện các tướng lạ ngõ hầu hết thảy mọi người biết  [con  vật ấy] là do Phật thị hiện, mong dứt sát kiếp để chúng sanh được yên. Như vỏ sò nghêu, hông bò, móng dê, răng  lợn, yếm ba ba đều có [hình ảnh] đức Phật ngự [trong ấy] khiến tai mắt con người [thấy nghe] phải kinh sợ, dứt cơ duyên giết chóc trong cõi đời. Những chuyện như vậy được ghi chép trong sử sách kể sao cho trọn? Trước khi giết đều nói là loài thú. Giết rồi mới biết là Phật! Do vậy biết: Giết loài vật chẳng khác gì giết Phật. Dẫu [con vật bị giết]  chẳng phải do Phật thị hiện thì nó cũng là đức Phật trong vị lai. Giết để ăn, tội sẽ cao to hơn núi, hơn biển, hãy gấp nên đau đáu răn dè ngõ hầu giải thoát. Cần biết rằng: Người và vật tuy khác, lanh lợi hay ngu xuẩn đều tỏ lộ. Kẻ ngu xuẩn tâm thức tối tăm, con vật thông minh lại có trí sáng, Ngũ Luân Bát Đức cố nhiên chẳng thua con người! Lòng thành tha thiết so ra còn sâu đậm hơn con người. Dám cậy ta mạnh, giết  chúng  nó ăn thịt, đến nỗi  trong tương lai thường bị kẻ khác ăn! Lần xem sử sách, từ xưa đến nay, phàm những ai lợi người lợi vật, con cháu nhất định hiền thiện, phát đạt; những kẻ nào hại người, hại vật, con cháu nhất định tầm thường, kém cỏi, diệt tuyệt. Người niệm Phật nên ăn chay trường. Nếu  như  chưa  thể  thì nên giữ Lục Trai hoặc Thập Trai (Mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 là Lục Trai. Thêm vào ngày mồng Một, 18, 24, 28 thì thành Thập Trai. Gặp tháng thiếu thì ăn lên trước đó một ngày. Lại còn tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín là ba tháng chay, nên ăn chay trường, làm các công đức). Từ giảm dần đến vĩnh viễn dứt ăn mặn thì mới hợp lý. Tuy chưa dứt được ăn mặn, hãy nên mua thịt làm sẵn, đừng sát sanh trong nhà. Do trong nhà thường nguyện cát tường (tốt lành, may mắn), nếu hằng  ngày sát sanh thì nhà ấy liền trở thành nơi giết chóc.  Nơi giết  chóc  chính  là  chỗ oán quỷ tụ hội, chẳng tốt lành, [điều này] quan trọng lắm! Do vậy, phải kiêng sát sanh trong nhà. Chỉ vì con người chẳng biết đặt mình vào hoàn cảnh [của loài vật] để xét lại, đến nỗi đem chuyện khổ sở cùng cực, thảm thiết cùng cực giáng xuống thân loài vật mà lòng vui sướng, tự bảo mình có phước, chẳng biết phước thọ đã vun bồi  từ  đời trước sẽ bởi đấy mà dần dần bị tiêu diệt, trong vị lai sẽ đời đời phải hứng chịu những nỗi khổ độc chẳng có lúc nào xong! Nếu trong lúc sát sanh ăn thịt mà nghĩ đến chuyện này, dẫu có kẻ đem cái chết uy hiếp buộc phải sát sanh ăn thịt, vẫn chẳng dám làm!
 

LÁ THƯ SỐ 363 ( TRONG SÁCH ẤN QUANG VĂN SAO TAM BIÊN)
Thư trả lời cư sĩ Từ Giám Chương
(Lời lẽ tuy vụng về chất phác, nhưng nghĩa vốn lấy từ kinh Phật.
Nếu chịu hành theo, lợi lạc vô cùng)

363. Thư trả lời anh em Úc Liên Xương
Cha ông do bịnh tật mà toan ăn thịt là vì chẳng biết hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, cho nên mặc tình giết ăn.Nếu biết là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, cái tâm tham vị ngon ấy sẽ ngay lập tức tiêu diệt chẳng còn! Ở đất Tần ta trước khi xảy ra loạn Hồng Dương, một người dân quê ở huyện nọ tại Hưng An cùng với mẹ sống trong cảnh nghèo khó. Người con đi làm thuê để nuôi mẹ; về sau mẹ chết, chỉ trơ trọi một mình, người con liền chẳng sốt sắng đi làm thuê nữa. Một bữa nọ ngủ ngày, mộng thấy mẹ đau đớn khóc lóc đến nói: “Mẹ chết đi biến thành lợn, nay đang ở chỗ X…, gã Y… nọ sắp giết mẹ, con hãy mau đến cứu mẹ”. Người ấy kinh hoảng, tỉnh giấc, liền sang chỗ đó, thấy người giết lợn khớp với giấc mộng, nhưng lợn đã bị  giết  rồi! Do  vậy  đau đớn không chịu nổi, lăn lộn trên đất, gào khóc mất cả tiếng.
Có người hỏi đến, do không có tiền để mua con lợn bị chết ấy bèn nói: “Lòng tôi đau khổ, chẳng tiện nói thẳng ra!” Từ đấy phát tâm ăn chay. Do [anh ta là] kẻ dân ngu trong làng chẳng biết pháp môn tu hành, bèn đi quyên hóa dầu thắp đèn, hễ được một gánh đầy, liền gánh sang núi Võ Đang để cúng đèn trong Kim Điện. [Anh ta] quyên mộ người khác, [quy định tiền] dầu thắp cho mỗi một ngọn đèn là ba đồng; tiền ấy dùng để mua hương, nến, trái cây, đã đưa sang đấy mấy lần. Về sau, có một gã đầu sỏ ngoại đạo muốn tạo phản, do sự việc bị tiết lộ bèn bỏ trốn, quan phủ sai vẽ hình tróc nã khắp nơi. Do gã ấy có cùng tên họ, tướng mạo với anh chàng quyên hóa dầu; anh chàng đi quyên hóa dầu liền bị bắt giữ.
Anh ta thưa trình chuyện mẹ bị biến thành lợn nên quyên hóa dầu, [nhưng quan] không tin. Quan lại bắt được cuốn sổ ghi tên đến mấy ngàn người, vốn là tên của những người cúng tiền mua dầu, bèn coi đó là danh sách tạo phản.
Anh ta bị khổ hình tra khảo tại dinh quan huyện Trúc Khê thuộc ranh giới tỉnh Hồ Bắc, nhân đó quan gán tội, phán án xử tội chết. Lại giải lên phủ Vân Dương phúc thẩm. Tới phủ, anh ta kêu oan, nhân đó thuật chuyện do mẹ biến thành lợn mà quyên hóa dầu. Tri Phủ rất có cao kiến, do thấy vẻ mặt người ấy hết sức từ thiện, quyết chẳng phải là kẻ tạo phản, nghe anh ta kể chuyện mẹ bị biến thành lợn, bảo: “Lời ngươi nói đó, bổn phủ chẳng tin. Hôm nay bổn phủ buộc ngươi thôi ăn chay”, sai dọn ra một bát thịt, ép ăn. Người ấy một tay bưng bát, một tay cầm đũa, Tri Phủ vỗ “tỉnh mộc” thúc anh ta gắp ăn. Người ấy gắp một miếng thịt, chưa đưa đến miệng liền ói ra một bụm máu. Tri Phủ mới biết anh ta bị  vu  cáo, liền tống đạt công văn xuống huyện Trúc Khê gỡ tội cho anh ta, bảo đi xuất gia ở chùa Liên Hoa thuộc biên giới huyện Trúc Khê. Do chùa Liên Hoa thuộc quyền quản trị của quan Trấn Đài Hưng An lẫn Trấn Đài Vân Dương, vào tháng Mười mỗi năm hai tỉnh mở hội tranh tài tại chùa này, nên chùa có tiếng. Người ấy sau khi xuất gia nhất tâm niệm Phật khá có cảm ứng. Về sau, trở về quê cũ ở Thiểm Tây, người địa phương gọi là Châu lão thiền sư, dựng nên hai ngôi miếu nhỏ. Khi loạn Hồng  Dương nổ ra, đồ đệ, đồ tôn đều trốn hết, Sư sắp thị tịch bèn nói với người làng: “Sau khi ta chết, nên bỏ vào chum, xây một cái tháp. Ba năm sau mở tháp ra xem. Nếu đã rữa nát thì thiêu đi; nếu không rữa nát thì thờ bên cạnh đại điện”. Về sau, mở tháp ra, [xác] chưa rữa nát, bèn thờ trong đại điện. Sư hiện thân làm con trai quan huyện bên cạnh đi khám bệnh, bệnh lành chẳng nhận lễ tạ, nói: “Nếu ngươi nghĩ đến ta thì đến chùa X… ở chỗ Y… để thăm hỏi”. Sau người ta đến chùa thăm viếng, [nhà chùa] nói: “Đấy là tên của vị Tăng được thờ trong đại điện”, đọc tên thấy chính là Ngài. Do vậy hương đèn suốt năm chẳng ngớt. Vị ấy chính là sư công của vị Hòa Thượng truyền giới cho Quang vậy. Đã năm mươi tám, năm mươi chín năm, tên người, tên chùa đều quên hết. Vị ấy nếu mẹ không bị biến thành lợn thì bất quá vẫn là một người dân lành yên phận mà thôi! Nếu quan phủ Vân Dương chẳng ép vị ấy ăn thịt, thịt chưa đưa vào miệng đã hộc máu ra, án ấy chắc chắn chẳng được sáng tỏ. Do vị ấy xem thịt đó giống như thịt mẹ mình, vì oai thế của quan bức hiếp, chẳng dám không ăn, chưa ăn mà tim  gan  đã đau xé nên hộc máu. Vì thế, quan biết là bị vu cáo, bèn tìm cách truyền đạt văn thư xóa tội, bảo đi xuất gia. Nếu cha ông biết nghĩa này, chắc chắn chẳng nỗi cứ mong tưởng mùi vị thịt mãi! Nếu vẫn còn khởi lên ý niệm ấy, liền tưởng như muốn ăn thịt cha mẹ của chính mình, niệm ấy liền bị tiêu diệt! Người chết đi, biến thành súc sanh vẫn còn tốt; nếu đọa trong ngạ quỷ, địa ngục, so với làm súc sanh chẳng biết càng khổ hơn mấy vạn vạn lần!
Xin hãy đưa thư này cho cha ông xem. Chẳng  những cụ không chịu  mong  tưởng ăn thịt nữa, mà còn chẳng chịu mong làm người mãi mãi trong thế gian này. Hãy nên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương hòng khỏi bị đọa lạc trong tam đồ ác đạo nữa!
Hãy nên hiểu rằng: Chẳng liễu sanh tử, dẫu có tu hành, cũng khó bảo đảm đời sau hay trong những đời sau nữa chẳng tạo ác nghiệp. Bởi lẽ người già bảy mươi tuổi, ăn chay trường nhiều năm, vẫn còn muốn ăn thịt; huống là đời sau, những đời sau nữa vẫn có thể chẳng tạo nghiệp, tu trì giống như đời này ư? Vì thế, Phật, Tổ đều khuyên người cầu sanh Tây Phương. Do sanh về Tây Phương liền dự vào cảnh giới Phật. Tâm phàm đã không còn, Phật huệ ngày một mở mang, tốt đẹp hơn tham Thiền, nghiên cứu Giáo, đại triệt đại ngộ, thâm nhập kinh tạng vô lượng vô biên lần vậy! (Ngày mồng Hai tháng Hai năm Dân Quốc 29 - 1940)
 

KỆ TU TRÌ

Giữ vẹn luân thường, Trọn hết bổn phận, Ngăn dứt lòng tà, Giữ gìn lòng thành.
Đừng làm các ác Vâng làm các thiện Kiêng giết cứu mạng Ăn chay niệm Phật Hồi hướng vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Dùng để tự hành Lại còn dạy người Ấy gọi Phật tử Hành giả hãy nên Làm như thế ấy Công đức vô lượng.
 

10 CÔNG ĐỨC PHÓNG SANH

1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.

2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh.

3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.

4. Con cháu đông đúc, đời đời hưng thạnh nối dõi không ngừng.

5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.

6. Công việc làm ăn phát triển hưng thạnh, gặp nhiều thuận lợi.
 

7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.

8. Giải trừ oán hận, các đều ác tiêu diệt, không có lo buồn sầu não.

9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.

10. Tái sanh về cõi trời hưởng phước vô cùng,  nếu có tu Tịnh Độ thì được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc
 

NGHI THỨC PHÓNG SANH
Giới hương, định hương giữ huệ hương.
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương.
Quang minh vân đài biến pháp giới.
Cúng dường thập phương Tam Bảo tiền.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát (3 lần)

Này các loài chúng sanh, từ đời vô thỉ đến nay chúng sanh do vô minh che lấp tâm tánh. Tạo ra nhiều nghiệp si mê, nên phải sanh tử luân hồi trong sáu nẻo. Các vị hiện giờ mang thân súc sanh, sống chết gởi trên dao thớt. May thay hôm nay các vị còn được túc căn thiện lành, gặp được người cứu mạng. Chắc nhiều đời các vị cũng có gieo căn lành trong Phật pháp. Vậy giờ đây các vị nên phát tâm quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng và phát tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, để kết duyên với Đức Phật A Di Đà. Khi nào đủ thiện căn, phước đức nhân duyên các vị được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Dương Chi Tịnh Thủy, 
biến   sái   tam   thiên,  
tánh không bát đức lợi nhơn thiên,
pháp giới quảng tăng diên,
diệt tội tiêu khiên,
hỏa diệm hóa hồng liên.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
(Ly nước, cành bông để sái tịnh)

Phù thử thủy giả, 
bát công đức thủy tại thiên chơn
tiên tẩy chúng sanh nghiệp cấu trần,
biến nhập Tỳ Lô Hoa Tạng giới,
cá trung vô xứ bất siêu luân,
thủy bất tẩy thủy,
diệu cực pháp thân,
trần bất nhiễm trần,
phản tác tự kỷ,
quyên trừ nội ngoại,
đản địch đàn tràng,
sái khô mộc nhi tác dương xuân,
khiết uế ban nhi thành tịnh độ,
sở  vị đạo nội ngoại,
trung gian vô trực uế,
thánh Phàm u hiển,
tổng thanh lương.
Bồ tát liễu đầu cam lộ thủy,
năng linh nhất đích biến thập phương,
tinh chuyên cấu uế tận tiêu trừ,
phổ sái pháp diên tất thanh tịnh.
Này chúng hữu tình:
Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni
Nam mô a di đa bà dạ, Ða tha dà đa dạ,
Ða điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ,
A di rị đa tất đam bà tỳ, A di rị đa tì ca lan đế,
A di rị đa, tì ca lan đa, Dà di nị dà dà na,
Chỉ đa ca lệ ta bà ha (3 lần)
 

Này các loài súc sanh kia, các ngươi nên nhớ cho, khi bỏ thân súc sanh, hướng tâm về Tam Bảo, được trở lại làm người, đầy đủ gặp chánh pháp, tin sâu cùng nguyện thiết, chuyên niệm Phật Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh Độ, chứng được ngôi bất thoái, để độ tận chúng sanh.
Nam mô Tịnh Độ Phẩm Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

KỆ PHÓNG SANH
Chúng sanh đây có bao nhiêu, lắng tai nghe lấy những điều dạy răn, các ngươi trước lòng trần tục lắm, nên đời này chìm đắm sông mê, tối tăm chẳng  biết tu trì, gây bao tội ác lại về mang thân, sống đọa đày, chết thường đau khổ, lông vẩy sừng, có đỡ được đâu, dù là bay trước, lặn sâu, lưới vây, tên bắn, móc câu thả mồi, tát cạn bắt cùng hơi phun độc, lúc đó dù kêu khóc ai thương, hồn còn phảng phất nấu rang xoong nồi.
Muôn phần chết nay ngươi cầm chắc, may sao nhờ các vị thiện nhân, cứu cho ngươi được thoát thân. Đến đây lại được nhờ ơn phép mầu. Vậy ngươi kịp hồi đầu quy Phật, xong dốc lòng quy Pháp, quy Tăng, hết lòng sám hối thân tâm nhẹ nhàng.
 

QUY Y
Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y Phật lưỡng túc trung tôn,
Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y Pháp ly dục trung tôn,
Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y Tăng chúng trung tôn, (3 lần)
Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y Phật không đọa địa ngục.
Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y pháp không đọa ngạ quỷ.

Này các loài chúng sanh, hôm nay các vị quy y Tăng không đọa bàng sanh. (3 lần)
 

SÁM HỐI
Này các loài chúng sanh kia, các ngươi xưa đã tạo bao nhiêu điều tội lỗi, gốc là tham sân si, từ thân  miệng ý mà sanh ra. hôm nay phát tâm xin sám hối. (3 lần)
Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Nam mô Đa Bảo Như Lai 
Nam mô Bảo Thắng Như Lai
 Nam mô Diệu Sắc Thân Như Lai
Nam mô Quảng Bác Thân Như Lai
Nam mô Ly Bố Uý Như Lai 
Nam mô Cam Lồ Vương Như Lai
Nam mô A Di Đà Như Lai
 

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Quán tự tại bồ tát, hành thâm bát nhã, ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý  thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa, y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn, tam thế chư Phật, y bát nhã ba la mật đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (3 lần)
Quy mạng lễ A Di Đà Phật, ở Phương Tây Thế Giới an lành. Con nay xin phát nguyện vãng sanh, cúi xin Đức Từ Bi tiếp độ. Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT (3 lần)
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT (3 lần)
 NAM MÔ THANH TỊNH ĐẠI HẢI CHÚNG BỒ TÁT (3 lần)

Phóng sanh công đức thù thắng hạnh, vô biên thắng phước giai hồi hướng, phổ nguyện Pháp giới chư chúng sanh, tốc vãng vô lượng quang Phật sát, nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não.

Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu. Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ, thế thế thường hành Bồ tát đạo, nguyện sanh Tây phương Tịnh Độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, bất thoái Bồ tát vi bạn lữ.
 

Nguyện dĩ thử công đức, phổ cập ư nhất thiết, ngã đẳng dữ chúng sanh, giai cộng thành Phật đạo.

PHỤC NGUYỆN
Đệ tử chúng con nguyện đem công đức phóng sanh này, hồi hướng khắp bốn ơn ba cõi, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm bồ đề, hết một báo thân này, sanh qua cõi Cực Lạc.
Nguyện đem công đức phóng sanh này, hồi hướng cho chúng con và thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng sanh, thân tâm an lạc, tật bệnh tiêu trừ, bồ đề tâm kiên cố, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Hồi hướng công đức phóng sanh này cho chư vị hương linh, cửu huyền thất tổ và oán thân trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp của chúng con, cũng như hiện tại, hữu hình và vô hình, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm bồ đề, hết một báo thân này, đồng sanh cõi Tây Phương Cực Lạc

TAM QUY Y
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại.

HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đồng sanh về Tịnh Độ.

MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH PHẬT

     Một là, những tội lỗi đã tạo từ trước, nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ.
     Hai là, thường được các thiện thần ủng hộ, tránh được tất cả tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh ngục tù.
     Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo  phiền khổ, oán cừu oan trái của đời trước cũng như đời này.
     Bốn là, các vị hộ pháp thiện thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa ác quỷ, rắn độc hùm beo tránh xa không dám hãm hại.
     Năm là, tâm được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, được kết quả tốt.
     Sáu là, chí thành hộ pháp, tâm không  cầu  lợi,  tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước lộc đời đời.
     Bảy là, lời nói việc làm trời người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến ngợi khen.
     Tám là, ngu chuyển thành trí, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành thịnh đạt. Nhàm chán nữ thân, mệnh chung liền được nam thân.
     Chín  là,  vĩnh  viễn  xa lìa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.
     Mười là, hay vì tất cả chúng sanh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sanh làm ruộng phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường được thấy Phật, nghe Pháp phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.
 

ẤN QUANG TỔ SƯ DẠY

Ấn tống kinh, tượng Phật được công đức thù thắng như vậy, nên gặp khi chúc thọ, thành hôn, cầu phước, thoát nạn, sám hối, cầu tiêu trừ bệnh tật, cầu siêu độ hương linh, hãy tinh tấn phát tâm Bồ đề ấn tống, để trồng cội phước đức cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.
Quý vị đọc đi đọc lại sách này nhiều lần, mới hiểu lời dạy của Tổ và ý của Phật.
Khi đọc xong, quý vị nên giới thiệu cho bạn bè, công đức vô lượng vô biên.
 Tất cả Kinh Sách của Tịnh Thất Quan Thế Âm đều cúng dường không bán. Quý vị muốn thỉnh Kinh Sách, xin liên hệ:

Địa chỉ: Tịnh Thất Quan Thế Âm, tổ 15, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Điện thoại: 0909.74.74.74
0909.998.300
Website: voluongtho.vn 
Quý vị muốn ấn tống kinh sách tượng Phật và phóng sanh, tùy hỷ cúng dường, gửi vào tài khoản ngân hàng:
TTK: Trương Quang Duy
STK:  0561.000.597.524
Ngân hàng Vietcombank Chi Nhánh Đức Trọng, Lâm Đồng.



Chùa Quan Thế Âm Tổ 15 - Trụ Trì: ĐĐ Thích Giác Nhàn
Tổ 15, Thôn Trung Hiệp, Xã Hiệp An, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng.
Tel. (+84) 0909.747.474 - (+84) 0933.447.312

Email: voluongtho0909747474@gmail.com